Quảng Bình được công nhận thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Share:

Ngày 13/11 vừa qua, bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định số 3426/QĐ-BVHTTDL và Quyết định số 3427/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận hát Kiều huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, TX. Ba Đồn và hát ru Cảnh Dương, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hát Kiều là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo gắn bó với đời sống tinh thần của người dân vùng tả ngạn sông Gianh. Dù trải qua nhiều thăng trầm và biến thiên của lịch sử, những làn điệu Kiều vẫn có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng người dân ở các địa phương.

 

Từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, nhiều loại hình nghệ thuật được hình thành như ngâm Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều nhưng nghệ thuật hát Kiều lại thể hiện tính độc đáo và giàu sức sáng tạo hơn. Hát Kiều bao gồm hát, diễn xuất và làm trò… tập trung ở các xã: Quảng Kim, Quảng Phương (Quảng Trạch), Châu Hóa (Tuyên Hóa), Quảng Minh, Quảng Thủy (TX. Ba Đồn).

Trong những năm chiến tranh, phong trào hát Kiều bị lắng xuống, nhưng không vì thế mà mai một. Những làn điệu hát Kiều vẫn âm thầm, bền bỉ để rồi khi có cơ hội lại được khôi phục, phát triển trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân các địa phương.

 

Cùng với hát Kiều, hát ru Cảnh Dương cũng là loại hình văn nghệ dân gian độc đáo. Đây là làn điệu hát ru trữ tình mang âm hưởng đặc biệt chỉ có ở làng quê miền biển Cảnh Dương. Cái hay của hát ru Cảnh Dương là những lời hát đậm chất văn hóa miền biển, sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương...

Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao cho biết: Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

* Nguồn: Báo Quảng Bình

Tin liên quan