Những lễ hội độc đáo tại Quảng Bình | Phongnha Discovery Tours

Những lễ hội độc đáo tại Quảng Bình

Share:

Quảng Bình – vùng đất nằm ở miền trung Việt Nam nổi tiếng bởi nhiều danh lam thắng cảnh cũng như nền văn hóa, lịch sử đặc sắc. Không chỉ nổi tiếng với những di sản thiên nhiên hùng vĩ mà còn thu hút du khách bởi các lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Cùng Phongnha Discovery tìm hiểu các lễ hội nổi bật của địa danh này khi đến đây nhé!

Lễ hội đập trống Ma Coong

Lễ hội đập trống là một lễ hội của người Ma Coong, một tộc thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều, tại Bố Trạch, miền tây Quảng Bình. Lễ hội đập trống mừng mùa trăng mới, đậm chất dân tộc, còn nguyên sơ chưa bị pha tạp còn mang nhiều bản sắc của dân tộc miền Tây Quảng Bình.

Lễ hội đập trống là một nghi lễ truyền thống của người dân tộc Ma Coong ở Quảng Bình, được tổ chức vào sáng ngày rằm (15) và ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội đua thuyền truyền thống

Lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình được tổ chức vào ngày 2 tháng 9 hằng năm tại sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Lúc đầu, lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình được tổ chức như một nghi lễ của người dân bản địa với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, thóc lúa về đầy bồ, đầy nương. Đồng thời thanh niên trai tráng trong làng cũng nhân dịp này mà thi thố tài năng với nhau, rèn luyện sức khỏe để có thể đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt của vùng đất Quảng Bình. 

Dần dần về sau, du lịch Quảng Bình ngày càng phát triển, lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang cũng được mở rộng hơn cho du khách đến tham quan, nhờ đó càng thêm tưng bừng và náo nhiệt. Đây còn là dịp để người dân cùng hướng về quê hương, tưởng nhớ công lao của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người đi trước đã hi sinh vì độc lập dân tộc.

Lễ hội Chợ Tình Minh Hóa

Rằm tháng ba hàng năm, du khách và người dân từ nhiều miền quê náo nức tìm về huyện Minh Hóa để hoà mình vào không khí tưng bừng của lễ hội và tham gia phiên chợ rằm duy nhất trong năm. Chợ rằm không đơn thuần để trao đổi hàng hóa mà là dịp tìm về những nét đẹp dân dã từ xa xưa của đồng bào Nguồn.

Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa vốn là dịp để người dân nơi đây dâng hương khấn vái thần linh cầu một năm mưa thuận gió hòa, cầu tài lộc, may mắn, sức khỏe và nô nức trẩy hội chợ rằm. Thời điểm này trời đang độ mùa xuân, muôn hoa đua nở, mùa con ong đi lấy mật, và cũng là mùa mà những sản vật ở địa phương vào kỳ sinh sôi nảy nở. Đồng bào các dân tộc nơi đây sẽ khoác trên mình những bộ áo quần mới, đa sắc màu, đậm chất dân tộc để về Hội rằm tháng 3 và đi chợ phiên. Đa số khi xuống chợ, họ đều mang theo các mặt hàng nông sản đem đến chợ để mua bán. Nhiều người ở dưới xuôi biết được phiên chợ rằm cũng mang theo hàng hóa lên phục vụ đồng bào.

 

Sau một năm lao động mệt nhọc, chợ rằm là nơi để họ tụ tập vui chơi và mua sắm. Đặc biệt, đối với những nam nữ thanh niên độ tuổi 18 đôi mươi họ rất háo hức để đi chợ rằm, vì đây là cơ hội để họ được gặp gỡ, giao lưu, kết bạn với nhau, tìm cho mình một người bạn đời. Rất nhiều cặp vợ chồng đã nên duyên từ đây. Chính vì vậy mà phiên chợ rằm hàng năm này còn được gọi với cái tên là Chợ Tình.

Lễ hội Cầu Ngư

Địa chỉ: Làng biển Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình

Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vì đây là lễ hội cầu mùa-cầu ngư hay lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”.

Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân mỗi địa phương có di sản mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Lễ hội Cầu ngư chính là nguồn sử liệu, là những bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai…

 Lễ hội Cầu Ngư là một trong những lễ hội lớn nhất ở Quảng Bình, được tổ chức vào tháng giêng âm lịch hàng năm tại các làng biển ven bờ.. Lễ hội có nhiều hoạt động đặc sắc như  nghi lễ cầu may mắn, nghi lễ rước thuyền và nhiều hoạt động vui chơi giải trí (móc thùng, đua thuyền, đan lưới, bóng đá bãi biển, ẩm thực,...)

Lễ hội Bài Chòi

Lễ hội Bài chòi Quảng Bình được tổ chức vào mùng 1 Tết hằng năm và diễn ra trong 3 ngày liên tiếp. Để có thể hòa mình trong không khí vui tươi của Lễ hội Bài chòi Quảng Bình, bạn nên đến thôn Thượng, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vào thời gian này. Đến hẹn lại lên, mỗi khi đến ngày diễn ra lễ hội, bầu không khí nơi đây lại trở nên náo nhiệt, sôi động hơn bao giờ hết vì mọi người từ khắp mọi nơi đều đổ về để tham gia vào Lễ hội Bài chòi Quảng Bình.

Nơi tổ chức Lễ hội Bài chòi Quảng Bình thường là ở một khu đất trống, rộng rãi hoặc trước các sân đình, miếu hay gò đất hoang gần khu dân cư, chợ... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người đều có thể dễ dàng đến đây tham gia.

Lễ hội hang động Quảng Bình 

Một trong những lễ hội Quảng Bình vô cùng đặc sắc được nhiều người chờ đợi hằng năm là lễ hội hang động. Được tổ chức tại nhiều địa điểm với một chuỗi các hoạt động nhằm quảng bá du lịch Quảng Bình, nét văn hóa Quảng Bình.

Đến với lễ hội hang động Quảng Bình, bạn có cơ hội được tham gia những hoạt động nghệ thuật đường phố, tìm hiểu về du lịch - văn hóa - di sản Quảng Bình và nhận được những ưu đãi hấp dẫn ở các điểm tham quan.

Ngoài ra, Quảng Bình còn có nhiều lễ hội khác như Lễ hội trỉa lúa, Lễ hội rước thần ở đình làng,lễ hội áo dài di sản, lễ hội chèo cạn múa bông,... Mỗi lễ hội đều mang đậm bản sắc văn hóa riêng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân Quảng Bình.

 >>>Khám phá thêm về Quảng Bình tại đây.

Tin liên quan