Sân bay dã chiến Khe Gát và một thời lịch sử oanh liệt

Share:

Sân bay dã chiến Khe Gát là một trong những chứng tích lịch sử cho tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sự ra đời của một sân bay dã chiến

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Quảng Bình là tuyến đầu của Miền Bắc XHCN để chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhận thức được điều này, Hải quân Mỹ liên tục cho tàu khu trục vào gần bờ bắn phá các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông ven biển Quảng Bình.

Để đối phó với tình hình nói trên, cuối năm 1968, Bộ Quốc phòng Tiểu đoàn 28 Công binh chủ trương xây dựng sân bay dã chiến với mật danh “B7” tại thôn Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình để yểm trợ cho tuyến đường Trường Sơn đồng thời chia lửa cho sân bay Đồng Hới.

Để đảm bảo bí mật cho công trình, cứ tối đến quân dân ta mới thi công, đến gần sáng lại ngụy trang bằng lá cây, làm đến đâu, thu dọn hiện trường và ngụy trang đến đó. Tất cả các phương tiện xe lu, xe ủi đều được tháo rời từng bộ phận và vận chuyển từ Hà Nội vào. Sân bay được xây dựng trong điều kiện trinh thám rất ác liệt của các loại máy bay trinh sát như OV10, SR71 ngày đêm quần thảo trên bầu trời Trường Sơn.

Sân bay hoàn thiện trong điều kiện hết sức khó khăn với đường băng dài hơn 1,8 km, rộng 50m và có đường dẫn máy bay vào hang trú ẩn . Ngày 18/4/1972, Đoàn Không quân Yên Thế được lệnh bí mật đưa máy bay vào Khe Gát. Hai chiếc MiG-17 do phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) lái, đưa từ sân bay Kép về Gia Lâm, rồi từ đó vào Vinh và bí mật hạ cánh xuống sân bay Khe Gát trong đêm.

Trận đánh huyền thoại

Chiều ngày 19/4/1972, Trạm rađa 403 ở Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) phát tín hiệu cảnh báo về một nhóm tàu chiến của Mỹ xuất hiện ngoài khơi bờ biển Nhật Lệ đến Bố Trạch.

Đúng 16 giờ 05 phút, hai chiếc máy bay MiG-17 do các phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy B từ sân bay Khe Gát xuất kích. Khi bay qua cửa Lý Hòa, phát hiện được mục tiêu, lúc 16 giờ 13 phút, được lệnh của chỉ huy từ mặt đất, Lê Xuân Dị nhanh chóng cắt bom vào chiếc tàu Khu trục hộ tống USS Higbee theo phương pháp ném bom “thia lia”. Tàu Khu trục hộ tống USS Higbee phát nổ, tạo lên một cột khói lớn, chiếc tàu bị thương nặng, dàn pháo trên boong tàu bị phá hủy.

Chiếc MiG -17 thứ 2 do Nguyễn Văn Bảy B tiếp tục bay vòng ra biển, khi đến gần cửa Dinh thì phát hiện đội hình địch. Nguyễn Văn Bảy B cho máy bay lướt qua phía trên tàu địch rồi vòng lại và cắt bom vào chiếc tàu Tuần dương hạm USS Oklahoma City, khiến chiếc tàu bị hỏng hệ thống ra đa cảnh giới và một ụ pháo trên boong. Hai phi công sau khi thực hiện nhiệm vụ đã quay trở về sân bay Khe Gát an toàn.

Sân bay dã chiến Khe Gát có ý nghĩa lịch sử đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta và trong lịch sử chiến đấu và trưởng thành của Không quân nhân dân Việt Nam, là hiện thân cho ý chí kiên cường vượt qua gian khó của quân và dân ta.

Theo thời gian, sân bay dã chiến Khe Gát đã không còn nguyên trạng, nhưng với trận “không đối hạm” huyền thoại và độc đáo ấy, sân bay Khe Gát đã trở thành là một trong những di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của hệ thống di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

 

 

Tin liên quan