Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương, là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, người dân cả nước lại nô nức đón Tết Đoan Ngọ với những phong tục tập quán độc đáo và ý nghĩa sâu sắc. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương; Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Năm 2024, Tết Đoan Ngọ sẽ rơi vào thứ Hai, ngày 10 tháng 6 dương lịch. Đây là dịp để mọi người cùng nhau sum vầy, quây quần bên gia đình, tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam
Đây là một ngày lễ có ý nghĩa quan trọng. Theo tài liệu từ Ban Tôn Giáo Chính Phủ cho biết, ngày xưa, vào một mùa vụ thành công và bội thu, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến phá nát mọi thứ.
Nhân dân lo lắng chẳng biết làm thế nào để giải trừ được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đến xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một bàn cúng gồm bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Mọi người làm theo thì chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Và thế cứ vào ngày này, nông dân lại lập bàn cúng để giải trừ sâu bọ, từ đó ngày 5/5 âm lịch là ngày "Tết diệt sâu bọ" và còn gọi là "Tết Đoan Ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Phong tục tập quán
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người dân Việt Nam có nhiều phong tục tập quán độc đáo, bao gồm:
Tết Đoan Ngọ là dịp người ta thường ăn tết ở nhà với gia đình. Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ mọi người ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi ngủ dậy.
Nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ "sâu bọ". Nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ ngọ đi tắm biển. Tại vì ngày này, theo quan niệm dân gian, khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an. Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc.
Vào dịp Tết Đoan ngọ, ai bị cảm cúm nên dùng năm loại lá là bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm ăn và sả nấu nước xông để bớt bệnh. Người ta cũng tìm mua cành xương rồng bỏ trong nhà để đuổi tà ma.
Những món ăn ngày Tết Đoan Ngọ
Bánh tro đã trở thành món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Nam Trung Bộ và Miền Nam Việt Nam. Bánh tro có nhiều tên khác nhau như bánh ú, bánh gio và bánh âm, và có vài biến thể khác nhau theo địa phương. Người ta làm bánh bằng gạo đã ngâm từ nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm, gói trong lá chuối. Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật.
Ở miền Bắc và miền trung, ngày này các gia đình thường làm các món từ vịt, đặc biệt là tiết canh vịt (nhưng những năm gần đây, sau khi có dịch cúm gia cầm thì người ta hạn chế ăn). Nhưng dường như các chợ ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ những ngày trước và trong Tết Đoan Ngọ thường rất rộn rã việc mua bán vịt sống.
Bánh tro cũng được coi là thành phần không thể thiếu trong ngày Tết này, mà hình dạng truyền thống là bánh tro hình tứ giác (tiêu biểu ở người Tày, Nùng...). Bánh thường được làm trước 1-2 ngày và cúng tổ tiên vào ngày 5 tháng 5.
Cơm rượu hay cái rượu cũng là món ăn được nhiều người ưa thích trong tết Đoan ngọ; uống rượu hoặc ăn rượu nếp để giết sâu bọ.
Chè hạt sen nấu cùng bột sắn dây và chè đậu đen có tác dụng giải nhiệt. Tiết trời đầu tháng Năm nắng nóng, dễ sinh các bệnh nhiệt trong người, chè hạt sen, chè đậu đen được nhiều gia đình lựa chọn làm món tráng miệng.
Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ truyền thống đẹp đẽ và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây là dịp để mọi người cùng quây quần bên nhau, tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong cho mọi điều an lành. Hãy cùng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong ngày Tết Đoan Ngọ.