Năm 2025, tỉnh Thừa Thiên-Huế được chọn để đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia. Đây là cơ hội để ngành du lịch Cố đô kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tại buổi làm việc trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 17/9, trình bày dự thảo Đề án Tổ chức Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025 là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội và du lịch tiêu biểu quy mô quốc gia và tầm quốc tế kết hợp với Festival Huế 2025, gắn với kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2025) và các dịp lễ kỷ niệm lớn khác của cả nước; hưởng ứng, chào mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thế, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng; thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo sự phát triển đột phá về du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong cả nước nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch trong vùng cũng như liên vùng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng trong những năm tiếp theo. Đồng thời, thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thừa Thiên Huế cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững.
Năm Du lịch Quốc gia và Festival Huế 2025 dự kiến sẽ bao gồm 62 chương trình, sự kiện chính. Trong đó, điểm nhấn là Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia kết hợp Khai mạc Festival Huế và chương trình nghệ thuật bắn pháo hoa chào mừng 50 Ngày giải phóng Thừa Thiên Huế. Sự kiện dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 3 năm 2025 tại Thành phố Huế.
Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh giá trị truyền thống, sự cổ kính, lịch sử lâu đời của mảnh đất cố đô. Với những giá trị văn hóa, cảnh quan, kiến trúc đã tạo nên thương hiệu du lịch Huế - một trọng điểm trên bản đồ du lịch quốc gia. Vì vậy, với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch phát triển, việc chọn Thừa Thiên Huế là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025 là rất phù hợp.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025 cần đặt ra cho Thừa Thiên Huế những mục tiêu cao hơn, xây dựng sản phẩm đặc sắc hơn, bổ sung nhiều không gian trải nghiệm cho du khách, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch và thu hút các dòng khách du lịch đến Huế. Thứ trưởng yêu cầu buổi làm việc hôm nay cần đưa ra những ý tưởng mới, đột phá cho Năm Du lịch Quốc gia 2025.
Về nội dung lựa chọn chủ đề cho Năm Du lịch Quốc gia 2025, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh gợi ý chủ đề Năm Du lịch Quốc gia 2025 là “Huế - kinh đô văn hóa sáng tạo” trên cơ sở khai thác, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vốn là thế mạnh của du lịch Huế, đồng thời gắn với sự đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình bày tỏ mong muốn có thể nâng tầm Năm Du lịch Quốc gia, đặc biệt trong năm 2025, năm có nhiều sự kiện lớn với Thừa Thiên Huế. Việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia có thể tạo ra sự phát triển du lịch lan tỏa cho cả dải đất miền Trung giàu tiềm năng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình mong muốn thông qua Năm Du lịch Quốc gia để thúc đẩy du lịch của cả miền Trung. Điều này đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương chứ Huế không thể đứng đơn lẻ. Vì vậy, chúng tôi đề xuất Bộ VHTTDL sẽ đứng ra làm cầu nối để giúp liên kết, phát triển du lịch miền Trung, đồng thời cũng có cả sự kết nối với du lịch của miền Bắc và miền Nam.
Về các tiềm năng, lợi thế của du lịch Thừa Thiên Huế, bên cạnh di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, Huế cũng có thế mạnh về ẩm thực và đang xây dựng thành phố sáng tạo để tham gia hệ thống mạng lưới Thành phố Sáng tạo UNESCO. Vì vậy, Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ VHTTDL đồng hành để tổ chức liên hoan ẩm thực toàn quốc hoặc quốc tế tại địa phương để tạo điểm nhấn. Đối với nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng đây là lĩnh vực còn nhiều hạn chế của địa phương và bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL sẽ hỗ trợ, hướng dẫn để Huế làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ nỗ lực để tổ chức thành công sự kiện, tạo điểm nhấn, dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế vốn có, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.