Xã Kim Thủy, huyện Lệ thủy thuộc địa bàn miền núi với điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Nhờ xác định đúng hướng phát triển sản xuất phù hợp với những tình hình, ưu thế vốn có tại địa phương. Ngày nay, người dân trên địa bàn từng bước đổi mới và phát triển nền kinh tế nâng cao đời sống và ổn định xã hội.
Là một xã nằm trong địa bàn miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn với hơn 100 hộ dân là người dân tộc Bru Vân Kiều. Trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn nhất là các bản vùng cao. Người dân sống chủ yếu phụ thuộc vào việc đi rừng, bà con gần như không có nguồn thu nhập nào khác.
Đa phần đồng bào vẫn cư trú theo lối kiến trúc nhà sàn nhỏ, có quy mô gồm cha, mẹ và các con chưa lập gia đình riêng. Nhà sàn chia thành hai mái, lợp bằng lá mây hoặc lá cọ. Nhà có hai cửa chính, một cửa dành cho nữ, cửa còn lại dành cho nam và khách nam. Một số ngôi nhà sàn ở hai bên đầu hồi trang trí bằng gỗ theo kiểu sừng trâu hoặc đôi chim, có tác dụng hạn chế trốc mái lại tạo ra tính thẩm mỹ. Về trang phục người Bru-Vân Kiều nơi đây vẫn giữ được nét truyền thống, mang đậm kiểu trang phục Tây Nguyên.
Được sự quan tâm và định hướng của các cấp chính quyền, người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao trình độ. Người dân đã phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế vườn – rừng kết hợp, mở rộng diện tích trồng lúa, trồng hoa màu gia tăng sản suất và đời sống an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình còn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, một số hộ dân đã có cuộc sống khá giả. Đời sống mọi mặt của người dân trong bản đã thực sự có nhiều thay đổi, trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, các hộ dân đều được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển du lịch, người dân từng bước có những hướng đi mới để thay đổi sinh kế một cách bền vững. Khi tỉnh Quảng Bình được đầu tư mở rộng khai thác du lịch khu vực phía Tây với các điểm du lịch nổi bật như khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong nằm trong khu rừng nhiệt đới nguyên sinh thuộc huyện Lệ Thủy, Bang Onsen… Đây là tiền đề để người dân tiếp cận với nền du lịch, tạo việc làm ổn định cho con em địa phương.
Dân bản tham gia vào hoạt động du lịch bằng cách cung cấp sản vật địa phương để chế biến thành món ăn, biểu diễn các nhạc cụ truyền thống phục vụ khách tham quan. Nhận thức sâu sắc hơn về phát triển kinh tế, phát huy giá trị vốn có của địa phương và từng bước đi lên phát triển kinh tế một cách bền vững.