Đền Thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Điểm du lịch tâm linh ở Quảng Bình

14/01/2024
Share:

Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất của tỉnh Quảng Bình. Ngôi đền thiêng thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, được nhân dân hết lòng tôn kính.

 

Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở đâu?

Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tọa lạc bên đường quốc lộ ngay chân Đèo Ngang thuộc thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Truyền thuyết về Thánh mẫu Liễu Hạnh

Ngày xưa ở trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng có một cô con gái tên là Liễu Hạnh, tính tình ngang bướng, không chịu theo khuôn phép nhà Trời. Ngọc Hoàng hết lòng dạy dỗ nhưng vô ích, cô vẫn chứng nào tật ấy. Giận vì trong nhà có con gái hư, không thể làm gương cho muôn họ. Ngọc Hoàng quyết định trị tội để cho con tu tỉnh. Nhân một lần Liễu Hạnh phạm lỗi, Ngọc Hoàng liền đày xuống trần trong thời hạn ba năm. Sau khi xuống trần, Mẫu Liễu Hạnh hóa thân thành một cô gái xinh đẹp, dựng một lều quán ở chân núi Đèo Ngang. Đây là nơi rừng núi vắng vẻ nhưng cũng là nơi có con đường Thiên lý Bắc – Nam vắt qua nên hằng ngày không bao giờ ngớt khách bộ hành qua lại. Từ xưa đến nay, vì sợ giặc cướp và thú dữ, không một ai dám đến đó mở quán bán hàng. Vì vậy ngôi làng độc nhất của Liễu Hạnh ngày nào cũng đông khách. Bất kỳ ai lên xuống Đèo, đã đi qua quán, không thể không ghé đến nghỉ chân. Huống gì trong quán lại có thêm cô gái tuyệt sắc.

Từ khi có quán nước, hễ ai vào quán ăn bánh uống nước rồi tiếp tục ra đi thì không sao. Nhưng nếu thấy chủ quán xinh đẹp mà giở thói cợt nhã hoặc có ý cậy sức, cậy thế cậy thần làm điều bất chính thì nàng quyết trị tội, không tha. Lúc trở về không lăn ra chết cũng trở thành điên rồ ngây dại.

Nghe danh về cô gái bán nước ở đèo Ngang, lúc bấy giờ thời vua Lê Thái Tổ có một người con trai là Hoàng tử thời đấy. Một hôm, Hoàng tử giấu Vua cha và Hoàng Hậu, sắm sửa cáng xá hành lý, đóng vai một nhà quý tộc trẻ tuổi, dẫn đoàn thị vệ cải trang ra đi tìm đến nơi của công chúa Liễu Hạnh. Sau khi đến nơi chàng đã si mê nàng và định dở ý định xấu với cô. Cô gái đã kịp hóa phép và trừng trị Hoàng tử bằng cách hóa phép là một con khỉ cái, lông lá đầy người. Bọn lính hầu xông lại, vụt một cái, con khỉ lại biến thành một con rắn mang hoa trên người Hoàng tử vươn lên kèo nhà, há miệng phun lửa phì phì, rồi biến mất. Khi bọn lính hầu thắp được đèn lên thì Hoàng tử đã ngã vật giữa quán, nằm mê man, mặt cắt không còn một giọt máu. Nửa đêm hôm đó, người ta cắt ngựa trạm đưa Hoàng tử về Kinh. Đến cung Hoàng tử trở nên mất trí, ai hỏi cũng không trả lời, chỉ cười nói một mình. Sau khi tìm đủ cách để chữa trị cho Hoàng tử, cuối cùng hoàng tử cũng trở lại bình thường và tâu lại sự tình với Cha. Sau khi nghe chuyện người đã tước vị ngôi vị của Hoàng Tử và cho con trai thứ lên thay. Người cũng nhờ nhiều cách để bắt công chúa Liễu Hạnh về để trừng phạt. Sau khi bắt được cô gái, nàng đã tú nhận là con của Ngọc Hoàng và muốn ở lại trần gian để trừng trị những kẻ hay bắt nạt và khinh thường phụ nữ.

Qua truyền thuyết dân gian về công chúa Liễu Hạnh, chúng ta thấy đó là một niềm tin và sự cầu mong về một lẽ công bằng của nhân dân. Hay có thể nói ngược lại: Chính niềm tin và sự cầu mong ấy là tiền đề để nảy sinh ra một câu chuyện thần kỳ tức là câu chuyện về công chúa Liễu Hạnh. Con đường để hình thành truyền thuyết về Đức Thánh Mẫu cũng là những con đường đã hình thành nên truyền thuyết về các vị thánh và các vị linh thần khác. Đó là con đường của sáng tác dân gian hoặc con đường dân gian hóa những tác giả, những tác phẩm cụ thể…

Thánh mẫu Liễu Hạnh đã để lại một hình ảnh mẫu mực xứng đáng là tấm gương và cái đích cần vươn tới của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh có gì?

Đền có diện tích khoảng 335m2, lưng tựa dãy Hoành Sơn hùng vĩ, mặt soi bóng hồ Quảng Đông. Công trình được xây dựng mang đậm phong cách Á Đông và bản sắc văn hóa dân tộc.

Từ đường thiên lý Bắc – Nam đi vào, lần lượt qua cổng đền, bức bình phong, cổng Tam quan, hai trụ đầu lân trước điện thờ, đền Tiền, đền Hậu. Nhìn tổng quan, chúng ta có thể thấy được sự tài hoa về kỹ thuật xây dựng, về hội họa, tài ghép sành sứ của con người ở đây. Chủ đề trang trí với đền thường gắn liền với những quan niệm, tư tưởng và những ước mơ hoài vọng tốt đẹp của xã hội phong kiến Việt Nam nói riêng và cư dân văn minh nông nghiệp lúa nước phương Đông nói chung. Đó là các hình tượng như Tứ Linh (long, lân, quy, phụng), tứ thủ (cầm, kỳ, thi, họa), tứ quý (tùng, trúc, mai, sen) và nhiều biểu tượng cúc hóa long, mai hóa long, tùng hóa long…

Đặc biệt, nhìn vào bố cục kiến trúc của đền được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao theo một trục dọc, cân đối và đăng đối, chính bố cục này đã làm thêm phần trang nghiêm của đền thờ thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa. Đền Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang nằm trong cụm di tích – danh thắng Đèo Ngang (Hoành Sơn Quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, Hòn La…). Đây là cụm di tích còn tiềm ẩn nhiều khả năng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Ngoài ra, trong khuôn viên đền còn có một số hạng mục khác như: nhà thờ Tổ, nhà thờ Quan Âm, nhà thờ Tam Tòa Thánh Mẫu,... Đây đều là những nơi thờ phụng linh thiêng, được nhiều người dân địa phương và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái

Ghé thăm nơi đây, du khách có thể kết hợp tham quan các địa điểm du lịch xung quanh như Vũng Chùa – Đảo Yến, Làng Bích họa Cảnh Dương, Mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Đèo Ngang, Hoành Sơn Quan,....

Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch tâm linh. Đến với nơi đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo, mà còn được hòa mình vào không gian tâm linh linh thiêng, tĩnh lặng.

>>> Du lịch khám phá Quảng Bình tại đây

 

Tin liên quan