Người Bru-Vân Kiều và những nét văn hóa đặc sắc | Phongnha Discovery Tours

Người Bru-Vân Kiều và những nét văn hóa đặc sắc

Share:

Người Bru-Vân Kiều chủ yếu sinh sống ở phía Nam các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình. Người dân thân thiện, chủ yếu canh tác nương rẫy và có cuộc sống gắn kết gần gũi với thiên nhiên. Họ thuộc số dân cư có nguồn gốc lâu đời nhất ở vùng Trường Sơn và mang những nét văn hóa đặc sắc, cùng Phongnha Discovery tìm hiểu về những nét văn hóa của dân tộc người Bru-Vân Kiều có gì đặc sắc nhé.

Đặc trưng về nhà ở

Phần lớn cộng đồng người Bru-Vân Kiều cư trú trong các làng nằm trên đồi hoặc lưng chừng núi, theo chiều dài của sông, suối, và đôi khi theo hình dạng bồ dục hoặc hình tròn. Những ngôi nhà thường có kiến trúc nhà sàn nhỏ thường gồm 3, 4 gian, hai mái, lợp bằng lá mây hoặc lá cọ, đôi khi nhóm Vân Kiều thậm chí sử dụng nhà với mái tròn.

Kích thước của ngôi nhà phụ thuộc vào tình hình kinh tế gia đình. Mặc dù có sự chênh lệch về kích thước, mọi ngôi nhà đều được thiết kế với hai cửa chính - một dành cho nữ và một cho nam và khách nam. Bố trí nội thất trong nhà tuân theo nguyên tắc nhất định, tạo nên không gian sống gọn gàng và hài hòa theo truyền thống văn hóa của họ.

Quan hệ xã hội

Dân làng thuộc các dòng họ khác nhau, cùng sinh sống trên một địa vực, trong đó đất trồng trọt thuộc về từng gia đình, kể cả khi bỏ hoá. Đối với người Bru-Vân Kiều, người đàn ông già nhất đảm nhiệm vai trò chủ chốt, quyết định mọi việc trong nhà.

Sau khi qua đời, quyền lực và tài sản được chuyển giao cho con trai trưởng, trong khi con gái thường ít nhận được phần tài sản và quyền hạn. Tuy nhiên, quan hệ trong gia đình luôn có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, chia sẻ niềm vui nỗi buồn và đồng lòng giải quyết những khó khăn.

Về trang phục

Màu đỏ và màu đen được chọn làm màu sắc trang phục chủ đạo tượng trưng cho âm dương cùng sự giao hòa với thiên nhiên tạo nên sự hài hòa trang phục truyền thống dân tộc Bru - Vân Kiều. Trước đây, đàn ông Bru - Vân Kiều ở trần đóng khố. Chất liệu làm khố được lấy từ vỏ cây sui. Khố nam giới dài xuống tới quá gối, màu đỏ nhạt và thường có 3 đến 5 sọc nhỏ màu đen chạy dọc theo thân khố.

Trang phục truyền thống trong những ngày lễ như tết, cưới hỏi… đàn ông Bru - Vân Kiều mặc thêm áo chui đầu và đeo thêm vòng đá quý có hình ô van. Áo chui đầu của nam giới không có ống tay, màu sắc chủ đạo là đỏ và đen tương ứng với màu âm và dương.

Trong khi đó, áo truyền thống mà phụ nữ Bru-Vân Kiều thường mặc là loại áo làm từ vải sợi bông nhuộm chàm/đen, dài tay, xẻ hai tà trước ngực có đính cúc hoặc dây để cài hai thân với nhau, thân áo cắt thắt eo. Áo kiểu cổ đứng, cao khoảng 3cm, ở cổ và hai nẹp áo phía trước được bạ thêm các dải hoa văn hình thoi, hình sao, hình tam giác bằng sợi chỉ màu sặc sỡ và có đính thêm từ 2 đến 4 hàng tiền “bạc trắng” ở trước ngực. Phần gấu áo ở cả hai thân trước và sau trang trí các mô típ hoa văn hình quả trám, hình tam giác, hình chữ thập… rộng khoảng 6 - 8cm tạo thành một dải hoa văn chạy quanh thân.

Lễ hội

Lễ hội Trỉa lúa 

Lễ hội Trỉa lúa là lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng người Bru-Vân Kiều. Đây là lễ hội truyền thống đã được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Lễ hội Trỉa lúa được tổ chức trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo hàng năm ra, trỉa xuống đất với ý nghĩa cầu mong thần lúa, thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt, nặng bông có ngày thu hoạch, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, cuộc sống ấm no.

Lễ hội mừng cơm mới

Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Bru - Vân Kiều thường được tổ chức sau khi thu hoạch lúa rẫy vào tháng 10 và 11 âm lịch hằng năm. Sau mùa lúa rẫy hằng năm, bà con tổ chức lễ hội mừng cơm mới để tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy kho, cuộc sống no đủ. 

Tại lễ hội, đồng bào tham gia thực hành các nghi lễ, nghi thức, các hoạt động diễn xướng, trò chơi dân gian thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đây là một trong những lễ hội quan trọng của dân tộc Bru-Vân Kiều và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

 

Tin liên quan