Ý nghĩa các món ăn ngày Tết Việt Nam

Share:

Tết Nguyên Đán là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất của người Việt Nam. Đây là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau sau một năm làm việc vất vả. Cùng với những nghi lễ truyền thống, các món ăn ngày Tết cũng góp phần tạo nên không khí vui tươi, đầm ấm cho ngày Tết. Cùng Phongnha Discovery tìm hiểu ý nghĩa của những món ăn trong ngaỳ Tết của người Việt qua bài viết sau nhé!

Bánh Chưng

Bánh chưng là món đã có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Do đó trong mâm cỗ ngày Tết sẽ không thể thiếu món ăn này. Bánh tượng trưng cho mặt đất, được dùng để thể hiện lòng biết ơn của hoàng tử Lang Liêu với Vua Hùng đời thứ 16 và đất trời. Sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo, đậu ngọt bùi, tiêu cay nhẹ và thịt mỡ béo ngậy đã tạo nên một hương vị ngày Tết không thể lẫn vào đâu được, một thứ bánh ngon tròn vị. Cái khung cảnh ngồi đợi nồi bánh chưng chín đã đi vào tiềm thức của người dân miền Bắc mỗi khi Tết đến.

Không chỉ được bày trong các mâm cỗ cổ truyền mà món ăn này còn được dùng để làm quà tặng cho người tân hay bạn bè.

Xôi gấc

Theo quan niệm của người xưa cho biết thì màu đỏ là màu của may mắn, màu của hạnh phúc lứa đôi. Vì vậy mà trong những ngày rằm, ngày lễ, đặc biệt là ngày Tết thì nhất định phải có 1 đĩa xôi gấc. Xôi gấc: Xôi gấc là món ăn mang màu đỏ may mắn, tượng trưng cho sự sung túc, thịnh vượng trong năm mới. Xôi được nấu từ nếp nương, gấc và nước cốt dừa. Xôi gấc có màu đỏ đẹp mắt, vị dẻo thơm của nếp, vị ngọt bùi của gấc và hương thơm của dừa.

Thịt gà luộc

Từ bao đời nay, màu vàng luôn được xem là màu sắc tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Vì vậy, gà sau khi luộc xong thường có màu vàng óng ả luôn được xem là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ dâng lên bàn thờ tổ tiên. Mang lại hy vọng trong ấm ngoài êm, cầu gì được nấy, gà luộc cũng góp mặt vào ý nghĩa các món ăn trong ngày tết thêm phong phú, độc đáo.

Canh khổ qua nhồi thịt

Các món ăn trong ngày tết không thể thiếu món canh khổ qua nhồi thịt, nét đặc trưng trong mâm cơm gia đình Việt. Nước hầm thanh mát, vỏ khổ qua nhẫn nhẫn ở đầu lưỡi, phần thịt ở phía trong lại vừa vị thơm ngon. Khổ qua cũng được xem là món ăn giải nhiệt, giúp thanh lọc cơ thể đặc biệt vào những ngày lễ tết.

Người Việt mượn cách chơi chữ “khổ qua” nhằm mong mỏi mọi điều khổ cực trong năm cũ sẽ mau chóng qua đi để năm mới là phúc lộc, may mắn đến nhà.

Dưa hành

Trong mâm cơm ngày Tết của người Việt có rất nhiều món ngon, từ cao lương mĩ vị cho đến những món vô cùng giản dị, dân dã. Và một trong những món dân dã nhưng lại có vị trí đặc biệt trong mâm cỗ cổ truyền của người Việt chính là món hành muối chua, hay còn gọi là dưa hành.

Với vị chua chua cay nhẹ và được dùng để ăn kèm cùng với bánh chưng hay thịt đông vô cùng ngon. Đây chính là món chống ngán hữu hiệu nhất trong ngày tết mà các bạn cần biết. Cho dù cuộc sống luôn thay đổi nhưng chắc chắn rằng một điều rằng, Việt Nam còn Tết thì sẽ còn bánh chưng và dưa hành sẽ là món ăn đồng hành cùng những ngày Tết của dân tộc.

Nem rán

Nem rán là món ăn được nhiều người yêu thích trong ngày Tết. Nem được làm từ thịt băm, mộc nhĩ, miến, hành lá và các gia vị. Nem rán có màu vàng giòn đẹp mắt, vị mặn ngọt hài hòa và hương thơm hấp dẫn.

Giò lụa

Giò lụa thường được đặt ở vị trí trung tâm của mâm cỗ ngày Tết, chúng có ý nghĩa trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà. Món ăn này được làm từ thịt lợn xay nhuyễn và gói bằng lá chuối rồi luộc chín. Những miếng giò giòn dai, thơm ngon có thể ăn kèm với cơm hay bánh mì đều được. Bạn có thể bảo quản giò trong ngăn mát tủ lạnh và mang ra đãi khách bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong những dịp Tết.

Mứt Tết

Người xưa tin rằng những món mứt ngọt ngào sẽ giúp cho bạn có một năm mới viên mãn và hạnh phúc. Cũng chính vì thế mà bánh mứt Tết thường được dùng để tiếp đãi khách đến nhà thay cho những lời chúc tốt đẹp nhất đầu năm. Hộp mứt Tết ngày xưa dần trở thành một nét đẹp cổ truyền trong văn hóa của dân tộc. Mứt Tết không chỉ đơn giản là một món ăn để nhâm nhi mà còn đong đầy ý nghĩa và thông điệp tốt lành mỗi dịp Tết đến xuân về.

 >>>Tham quan khám phá Quảng Bình tại đây.

Tin liên quan