Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét văn hóa riêng. Văn hóa là cái gốc cho sự phát triển, phồn thịnh của một đất nước. Việt Nam là một dân tộc mang một nền văn hóa đậm đà bản sắc, đa dạng và phong phú. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với người dân Việt, văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và tâm thức người dân.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam hay thường gọi là Đạo Mẫu, thờ Thánh Mẫu, thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ xuất hiện khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa. Đất nước Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cũng từ đó Việt Nam đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng và phát triển văn hóa dân tộc. Đã từ lâu, tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng đối với người dân Việt, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là tập tục phổ biến và đang thu hút rất nhiều người. Từ thế kỷ 16, thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và tâm thức người dân.
Tín ngưỡng thờ Mẫu, tam phủ, tứ phủ tuy tất cả đều là sự tôn sùng thần linh nữ tính, nhưng giữa thờ Nữ thần, Thánh Mẫu, Thánh Cô, Mẫu tam phủ, tứ phủ không hoàn toàn đồng nhất, mà có sự khác biệt về quyền năng, địa vị, phân cấp thứ bậc riêng.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa lâu đời, lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ, là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến. Ngoài ra còn có Thánh Bản mệnh là vị thần đứng đầu dẫn dắt người tu đạo đi đến với Mẹ (Mẫu) - Đấng Tối cao trong Đạo Mẫu Việt Nam – Hoàng Thiên Tiên Thánh Giáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển và hình thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ ), ngoài ra Tứ phủ có thêm Địa phủ .
Những tài liệu văn bản ghi chép về các Thánh Mẫu thường xuất phát từ thần thoại, huyền thoại, truyện kể dân gian và đồng thời cũng có hiện tượng ngược lại là huyền thoại hóa, dân gian hóa các văn bản thần tích, thần phả. Các truyện kể dân gian về 4 vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa tiên, lưu truyền trong dân gian khá phong phú, sau này một số được ghi chép lại trong các sách cổ như Việt điện u linh tập.
Mẫu mẹ Thoải Phủ biểu tượng cho vị thần cai quản biển cả, sông nước. Bởi trong quá trình mưu sinh tìm nguồn sống, con người luôn phải dựa vào thiên nhiên, đất trời. Vì vậy họ đã tôn thờ các hiện tượng tự nhiên như đấng tối cao với mong muốn Mẫu sẽ che chở cho cuộc sống của họ ấm no, hạnh phúc. Đạo mẫu còn thể hiện một ý thức xã hội hướng về cội nguồn mà trong đó lấy hình tượng người Mẹ làm biểu tượng, một ý thức yêu nước, gắn bó với dân tộc, ý thức về một đời sống thực thường nhật với các nhu cầu về sức khỏe, tài lộc.
Bắt nguồn từ chế độ mẫu hệ, khi người mẹ, người vợ giữ vị trí quan trọng trong gia đình. Mẹ là biểu tượng cho sự sinh tồn của giống nòi. Năm 2016 khi được UNESCO công nhận tín ngưỡng Tam, Tứ phủ là di sản văn hoá phi vật thể Thế giới. Hầu đồng là một nghi thức không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng dân gian và đặc biệt chỉ có mặt duy nhất ở Việt Nam. Các điệu múa trong hầu đồng là bảo tàng sống bảo tồn các loại múa cổ truyền của người Việt. Cho đến hiện nay, tín ngưỡng Thờ Mẫu vẫn mang sức sống bền bỉ và được thực hành trên 7000 đền, phủ trên cả nước.